Thương mại hóa 5G trong năm 2024 là cần thiết nếu không muốn bị chậm chân

Bắt đầu thử nghiệm từ cuối năm 2020, đến nay, các nhà mạng di động lớn của Việt Nam đã tiến hành thử nghiệm công nghệ 5G tại 55/63 tỉnh, thành và được các nhà mạng báo cáo là đạt kết quả tốt. Dù vậy, việc thương mại hóa 5G đang bị chậm chân.

Hạ tầng đã sẵn sàng

Những chiếc smartphone 5G đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam ngay từ khi Việt Nam bắt đầu thử nghiệm mạng 5G (vào năm 2020). Tháng 7-2020, thương hiệu VinSmart đã cho ra đời Vsmart Aris 5G, chiếc smartphone 5G "Made in Vietnam" đầu tiên.

Tháng 5-2021, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), 3 nhà mạng di động lớn nhất nước là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã ký thỏa thuận thử nghiệm dùng chung mạng 5G nhằm sớm triển khai dịch vụ 5G thương mại trên toàn quốc; đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị, xã hội và tăng cường hiệu quả đầu tư hạ tầng của các doanh nghiệp. Vào thời điểm giữa năm 2023, có tới hơn 30% smartphone ở Việt Nam có hỗ trợ 5G. Và vào quý III/2023, Việt Nam đã nằm trong số Top 10 nước có nhiều smartphone 5G nhất thế giới. Trong năm 2023, Tập đoàn Viettel đã hoàn thành việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G bao gồm phần cứng và phần mềm. Việt Nam đã có mặt trong Top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Đến tháng 3-2024, Viettel rồi VNPT - VinaPhone đã trở thành 2 nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam đấu thầu thành công quyền sử dụng băng tần 5G trong 15 năm; được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thiết lập mạng di động 5G và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G.

Theo Global Data, các công ty viễn thông trên thế giới đã nhận ra những lợi ích của việc giảm sự sở hữu đối với các hạ tầng viễn thông thụ động như các cột ăng-ten phát sóng di động hay đường truyền cáp quang internet. Thay vào đó, một nhóm nhà mạng có thể chia sẻ cơ sở hạ tầng với nhau, tránh tình trạng mỗi nhà mạng phải xây dựng một trạm phát sóng BTS riêng, đặc biệt là ở những khu vực có lưu lượng thấp. Công nghệ mạng 5G có lợi thế có thể chia sẻ hạ tầng BTS.

 

Công nhân kỹ thuật VNPT - VinaPhone lắp ráp ăng-ten phát sóng 5G phục vụ các dịp lễ hội.Ảnh: VNPT

Cần giải quyết bài toán cung - cầu

Vậy là hầu như các điều kiện để cung cấp mạng 5G ở Việt Nam đã được đáp ứng, tuy nhiên đến nay tiến độ thương mại hóa 5G bị chậm. Vấn đề bây giờ thuộc về các nhà mạng.

Trong kinh doanh, các nhà mạng có quyền triển khai các dịch vụ tùy theo bài toán lợi nhuận của mình. Ai cũng hiểu, triển khai hạ tầng 5G rất tốn kém trong khi tình hình kinh doanh của các nhà mạng lúc này không còn như trước. Liệu việc đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa 5G có tiếp tục rơi vào cái vòng luẩn quẩn về bài toán cung và cầu. Nhà mạng cần có nhu cầu mới cung cấp dịch vụ. Các khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ gia tăng cần có sẵn mạng 5G mới triển khai. Cả hai bên đều chờ nhau.

Trước mắt, chưa nên nói tới chuyện phổ cập 5G, phủ 5G rộng khắp cả nước như 4G hiện nay. Các nhà mạng có thể triển khai trước 5G tại những tỉnh, thành lớn có nhu cầu cao và những khu vực trong điểm tại các tỉnh, thành khác. Khác với 3G, 4G có đối tượng khách hàng là người dùng cá nhân, 5G có đối tượng khách hàng tiềm năng là các doanh nghiệp, tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ. Ngay cả các cơ quan nhà nước cũng cần 5G khi 5G chính là một trong các hạ tầng cơ sở phục vụ chuyển đổi số định hướng xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Các nhà mạng chia sẻ với báo giới rằng họ đều muốn ưu tiên phủ sóng 5G cho các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu 5G lớn và ổn định, đặc biệt là cho các nhà máy thông minh, thành phố thông minh. Giải pháp cho các đối tượng này là mạng riêng 5G (Private Mobile Network - PMN) vốn đang trở thành xu thế toàn cầu cho các nhà máy thông minh. Việt Nam cũng đã có nhà máy thông minh đầu tiên là cơ sở sản xuất tại Hải Phòng của Tập đoàn Pegatron - một trong các nhà cung ứng hàng đầu thế giới cho hãng Apple. Vào tháng 7-2023, mạng riêng Viettel 5G PMN do Tập đoàn Viettel phát triển đã được ứng dụng vào hoạt động tại nhà máy FDI này với hàng ngàn thiết bị, cảm biến được kết nối.

Việt Nam đang cùng thế giới tiến mạnh vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng đám mây được coi là xương sống để thúc đẩy sản xuất thông minh. Các nền tảng này chỉ có thể phát huy tối ưu hiệu suất khi có được kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp với số lượng lớn thiết bị hoạt động cùng một lúc, thậm chí trong 24/7. Công nghệ kết nối di động 5G hiện nay là nền tảng kết nối duy nhất đáp ứng các yêu cầu đó. Hạ tầng số bây giờ không chỉ có cáp băng thông rộng mà còn có cả mạng 5G.

Theo lộ trình chung, Việt Nam phải tiến hành tắt sóng 2G rồi đến 3G. Trong tương lai gần, mạng di động chỉ còn 2 công nghệ mạng 4G và 5G. Trong khi đó, bóng dáng của công nghệ di động 6G cũng đang dần xuất hiện theo quy luật phát triển. Việc bắt đầu thương mại hóa 5G trong năm 2024 là cần thiết nếu không muốn bị chậm chân.

Theo Anh Phúc

Xem tin khác